Ngoại giao Chính_phủ_Bắc_Dương

Ngày 6 tháng 10 năm 1913, Viên Thế Khải chính thức nhậm chức đại tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, ngay hôm đó 13 quốc gia như Nhật Bản cùng Trung Hoa Dân Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, số nước bang giao của Trung Hoa Dân Quốc dần gia tăng.

Ngày 22 tháng 4 năm 1912, Viên Thế Khải tuyên bố rõ rằng toàn bộ chính trị các địa phương Mông Cổ, Tây Tạng, Hồi Cương đều thuộc nội chính Trung Quốc. Anh Quốc công khai biểu thị không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng, lấy đường McMahon gây ra tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau này, đại biểu Anh Quốc tại hội nghị Simla cố gắng dùng thủ đoạn khiến Trung Quốc ký tắt vào dự thảo điều ước, bị Chính phủ Bắc Dương thẳng thừng từ chối, cuối cùng phía Trung Quốc không ký vào thỏa thuận nào, và đường McMahon không được Trung Quốc thừa nhận.[24]

Ngày 5 tháng 11 năm 1913, Viên Thế Khải nhằm đổi lấy việc Nga viện trợ và thừa nhận Chính phủ Bắc Dương, bèn cùng Nga ký kết "Hiệp ước Trung-Nga-Mông". Nga tuy bề ngoài thừa nhận Mông Cổ là "một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc", song Chính phủ Trung Quốc thừa nhận nội dung "Hiệp ước Nga-Mông" và "tự trị" của Mông Cổ, không thiết lập cai trị, trú quân hay di dân tại Ngoại Mông Cổ, trên thực tế thừa nhận quyền khống chế của Nga đối với Ngoại Mông. Năm 1917, Nga bùng phát cách mạng, Chính phủ Bắc Dương thừa cơ thu hồi chủ quyền đường sắt Trung Đông bị Nga cướp đoạt, phế trừ một phần bồi thường của nhà Thanh cho các cường quốc, xuất binh đến Ngoại Mông Cổ, duy trì thống nhất quốc gia. Trong Nội chiến Nga năm 1918, hàng triệu người Trung Quốc tại Siberia bị uy hiếp về sinh mệnh và tài sản, Chính phủ Bắc Dương chịu áp lực từ các bên, quyết định xuất binh sang Siberia bảo hộ kiều dân. Tháng 8 năm 1919, Chính phủ Bắc Dương chính thức thành lập Tổng cục cảnh sát tại Cáp Nhĩ Tân, thu hồi đại bộ phần quyền cảnh sát từ tay người Nga. Chính phủ Bắc Dương phế bỏ "Hiệp ước Trung-Nga-Mông", đồng thời xuất binh đến Ngoại Mông, tháng 11 năm 1919 Ngoại Mông thủ tiêu tự trị, khôi phục chế độ như trước[25]. Chính phủ Bắc Dương đề xuất sửa đổi "Điều ước Y Lê Trung-Nga", cùng Chính phủ Nga Xô viết vào tháng 5 năm 1920 ký kết hiệp định thông thương cục bộ mới, phế trừ hiệp ước cũ mà trong đó đa số là điều khoản bất bình đẳng. Tháng 9 năm 1920, phế bỏ quyền tài phán lãnh sự Nga kiều, thu hồi tô giới Nga.[26] Tháng 8 năm 1922, Liên Xô phái Adolph Joffe sang Bắc Kinh làm đại biểu toàn quyền tại Trung Quốc, đầu tiên gửi thư cho người lãnh đạo Chính phủ Bắc Dương là Ngô Bội Phu, hy vọng lập quan hệ hợp tác, tuy nhiên, Ngô Bội Phụ cự tuyệt du thuyết của Liên Xô,[27] Adolph Joffe chuyển sang liên lạc với Tôn Trung Sơn đang phát triển thế lực tại phương nam, hai người sau đó phát biểu tuyên bố chung, Tôn Trung Sơn đồng ý quân Liên Xô có thể lưu trú Ngoại Mông[28].

Ngày 29 tháng 5 năm 1914, Nhật Bản uy hiếp Viên Thế Khải ký kết "Biện pháp thi hành giảm thuế vận chuyển qua lại Triều Tiên- Nam Mãn Trung-Nhật" với sáu điều khoản, thương nghiệp Đông Bắc sau đó bị người Nhật lũng đoạn. Sau Cách mạng thứ hai, Viên Thế Khải lo sợ Nhật Bản hỗ trợ Tôn Trung Sơn, đặc phái Tôn Bảo Kỳ, Lý Thịnh Đạt sang Nhật Bản khai thông, Nhật Bản nhân cơ hội này đề xuất quyền xây dựng năm tuyến đường sắt tại Đông Bắc. Tháng 9 năm 1914, Nhật Bản mượn việc tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, tuyên chiến với Đức, xuất binh chiếm lĩnh Sơn Đông. Ngày 7 tháng 1 năm 1915, Chính phủ Bắc Dương yêu cầu quân Nhật triệt thoái về nước, hoặc tạm lưu trú tại tô giới Đức tại Thanh Hải. Sau khi Đức chiến bại trong thế chiến, Chính phủ Bắc Dương lấy thân phận nước chiến thắng tham dự Hội nghị hòa bình Paris, muốn thu hồi quyền lợi của Đức tại Sơn Đông, song bị buộc phải chuyển giao lợi ích đó sang Nhật Bản, đại biểu Trung Quốc chỉ có thể cự tuyệt ký và hiệp ước để kháng nghị. Nhật Bản thừa cơ các nước Âu-Mỹ không để tâm tới Viễn Đông, thấy được dã tâm xưng đế của Viên Thế Khải, vào ngày 18 tháng 1 Nhật Bản đề xuất yêu cầu 21 điều với Viên Thế Khải, dẫn tới bùng phát Phong trào Ngũ Tứ. Do Chính phủ Bắc Dương xoay xở nhiều bên, các điều khoản bất lợi nhất với Trung Quốc bị bác bỏ, là thắng lợi ngoại giao của nước yếu.[29], quân Nhật chiếm lĩnh Thanh Đảo cho đến năm 1922.

Năm 1918, Đức chiến bại trong thế chiến, để mất tô giới và thuộc địa tại Trung Quốc, giảm thiểu một chương ngại trong quan hệ song phương. Năm 1920, đoàn đại biểu của Đức sang thăm Trung Quốc, trải qua đàm phán, hai bên vào ngày 20 tháng 5 năm 1921 ký kết "Hiệp ước Trung-Đức". Đây là một điều ước bình đẳng hiếm thấy trong lịch sử quan hệ đối ngoại cận đại của Trung Quốc, quan hệ Trung-Đức bị gián đoạn trong chiến tranh đến lúc đó được khôi phục.[30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chính_phủ_Bắc_Dương http://www.bjnews.com.cn/ent/2011/07/27/139739.htm... http://www.people.com.cn/GB/14738/14761/25881/2529... http://history.sina.com.cn/bk/mgs/2013-09-10/16535... http://ejm.ruc.edu.cn/readnews.aspx?nid=310 http://wwwbig5.hljnews.cn/fou_jsxy/2011-01/24/cont... http://www.olympic.cn/games/summer/china/2004-03-2... http://news.banbijiang.com/zawen/lishi/2013/0613/1... http://www.chinainperspective.com/ArtShow.aspx?AID... http://www.huaxia.com/zhwh/whrw/2013/08/3458837.ht... http://book.ifeng.com/shuzhai/detail_2012_11/21/19...